PHÒNG BỆNH MÙA TỰU
TRƯỜNG
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm
đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc
bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số
mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần. Đáng chú ý, đã có 03
trường hợp mắc sởi tử vong tại TP Hồ Chí Minh. Qua điều tra dịch tễ các ca mắc
và tử vong do sởi cho thấy, hầu hết đều chưa tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm không
đủ liều, đúng lịch.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm 2024 có nguy
cơ cao bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4 – 5 năm một lần, tương tự như các năm
dịch trước đây, 2019 và 2014, khi số ca mắc sởi tăng đáng kể. Riêng năm 2014,
có hơn 110 trẻ em tử vong do dịch sởi. Chính vì thế, lơ là trong công tác tiêm
chủng vắc xin cho trẻ em và người lớn, làm suy giảm nghiêm trọng tỷ lệ bao phủ
tiêm chủng trong cộng đồng, khiến hàng rào “miễn dịch cộng đồng” bị suy yếu, là
nguyên nhân chính gây ra tình trạng gia tăng số ca mắc và tử vong do sởi trong
thời gian qua.
Hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới,
học sinh các cấp đang quay trở lại trường học. Đây là nơi tập trung đông người
nên có thể thành môi trường thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm gia tăng, nhất
là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh
lây truyền qua đường hô hấp. Chính vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh,
việc nâng cao nhận thức và tăng cường tiêm phòng là biện pháp quyết định nhằm
bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ và cộng đồng. Chỉ có tiêm vắc xin phòng bệnh đúng
lịch, đủ liều mới tạo ra miễn dịch cộng đồng khỏe mạnh.
Bên cạnh việc tiêm vắc xin, khuyến cáo các
biện pháp phòng bệnh sau:
* Đối với nhà trường:
- Chủ động theo dõi, giám sát tình hình sức
khỏe của học sinh.
- Phối hợp với Trung tâm Y tế Sóc Sơn để phát
hiện sớm trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp và các bệnh truyền
nhiễm khác, từ đó có biện pháp xử trí kịp thời, giảm nguy cơ bùng phát dịch,
bệnh trong trường học.
- Thường xuyên vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh lớp
học, tạo môi trường học tập thoáng mát, sạch sẽ để đẩy lùi dịch, bệnh.
- Ngoài việc tuyên truyền các biện pháp phòng,
chống dịch cho phụ huynh thông qua các nhóm zalo, cần tuyên truyền cho học sinh
để nâng cao nhận thức giúp các em vừa tự bảo vệ sức khỏe chính mình, vừa là
tuyên truyền viên tích cực tới gia đình và xã hội.
* Đối với gia đình:
- Hàng ngày vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và thoáng
mát, tạo không gian sống
trong lành.
- Các thành viên trong gia đình thực hiện rửa
tay bằng xà phòng và nước sạch ngay khi về tới nhà, trước khi ăn và sau khi đi
vệ sinh.
- Xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh thông qua
chế độ dinh dưỡng cân đối và vận động thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc
bệnh truyền nhiễm
- Khi thành viên trong gia
đình có các triệu chứng như ho, chảy mũi, sốt, phát ban… đều cần thăm khám bởi
các bác sĩ có chuyên môn để đánh giá tình trạng bệnh, được điều trị kịp thời.
Tránh tự mua thuốc điều trị tại nhà hoặc đi điều trị vượt tuyến để giảm nguy cơ
lây nhiễm chéo ở bệnh viện./.